Giải thưởng của Hội Nhà văn Hà Nội năm 2008 đã được công bố. Rất bất ngờ, tác phẩm đoạt giải về dịch thuật không phải là của một dịch giả có tiếng trên văn đàn mà là tác phẩm đầu tay của một dịch giả còn khá trẻ.  Nguyễn Đình Thành đoạt giải với bản dịch tiểu thuyết Nửa kia của Hitler.

  * Không phải ai cũng có may mắn nhận giải thưởng của hội nhà văn Hà Nội như anh. Anh đã bắt gặp tác phẩm Nửa kia của Hitler trong hoàn cảnh nào?

- Dịch giả Nguyễn Đình Thành: Trong thời gian từ năm 2005-2006, tôi đi du học quản trị văn hóa ở Pháp. Đó là quãng thời gian dành cho văn học nghệ thuật, dành cho những sở thích của mình nhiều nhất. Việc đọc sách bên ấy rất dễ dàng, đơn giản và hầu như là bắt buộc vì ngày nào cũng đi tàu điện ngầm. Ngồi trên tàu cả tiếng đồng hồ, mình không thể nhìn mãi người đối diện được. Lúc đó, ai cũng có nhu cầu đọc một cái gì đấy để “giết thời gian”. Trong những lần như vậy, tôi tiếp xúc và phát hiện nhiều tác phẩm, tác giả hay. Trong số đó có Eric Emmanuel Schmitt.

Tiểu thuyết Nửa kia của Hitler của một người bạn thân ở Pháp, rất quan tâm tới Hitler, diệt chủng, các vấn đề về khoa học xã hội nói chung, anh bạn ấy đưa cho tôi tác phẩm này và bảo, “cuốn này đã đảo lộn hết cách suy nghĩ của tôi”. Tôi say mê đọc và ngay lập tức thấy thích. Và tôi quyết định dịch ra tiếng Việt. Về nước được một vài tháng, tôi đề nghị với Nhã Nam dịch cuốn sách này.

* Lúc mới tiếp xúc với tác phẩm, điều gì đặc biệt ở Nửa kia của Hitler khiến anh theo đến cùng với 600 trang sách?

- Cuốn sách này có hai điểm đặc biệt. Thứ nhất, nó nói rằng: Cuộc đời mỗi con người có thể thay đổi từ những điều rất nhỏ. Tôi rất thích cái tứ này. Thứ hai: Trong con người ai cũng có một con thú, một phần ác. Nhiệm vụ của chúng ta là phải giam nó lại suốt đời. Nếu để nó sổng ra, ta sẽ làm những điều ác như Hitler. Hitler không xấu hơn chúng ta, mà cũng chẳng tốt hơn chúng ta. Ông ta cũng là một con người như chúng ta. Nhưng do cách suy nghĩ lập dị, do đóng mình lại, không giao tiếp với xã hội bên ngoài mà cứ khư khư cho mình là đúng, thành ra ông ta như ao tù nước đọng cuối cùng trở nên tối tăm và phần ác vượt lên trên.

Đây là hai thông điệp mà tôi rất thích. Cộng thêm lời văn của tác giả hết sức uyển chuyển, sinh động và hấp dẫn. Tạo nên một tác phẩm mà cả người trí thức và người bình dân đều có thể đọc được.

* Độc giả Việt Nam còn xa lạ với nhà văn Eric Emmanuel Schmitt. Anh có thể giới thiệu đôi chút về tác giả này?

- Ngoài tác phẩm Nửa kia của Hitler đã công bố, tôi còn dịch 2 vở kịch của tác giả này là Người khách lạ (đã được trao giải Molière về kịch và giải tác giả triển vọng) và Trường học của quỷ. Tôi đã dịch xong, khi nào có điều kiện sẽ cho công bố.

Eric Emmanuel Schmitt là một trong 10 nhà văn có tác phẩm được nhiều người đọc nhất nước Pháp hiện nay. Ông vừa là nhà văn vừa là nhà viết kịch lớn nhất nước Pháp. Ông đã được tặng thưởng của Viện Hàn lâm khoa học Pháp cho toàn bộ sự nghiệp về kịch. Các vở kịch của ông đều được công chúng đón nhận rất nồng nhiệt.

Các tác phẩm của ông luôn đặt ngược lại các vấn đề về lịch sử. Ông cũng hay viết về các danh nhân như Diderot, Pilates, Freud, Mozart, Hitler... Ông viết rất nhiều về Thiên Chúa giáo, Hồi giáo, Do Thái, Phật giáo... Bốn tôn giáo lớn nhất trên thế giới tạo nên bộ tứ truyện rất độc đáo. Mỗi tác phẩm đều viết về những gì nhân bản và nhân văn nhất của mỗi tôn giáo.

Đấy là một cách để ca ngợi các tôn giáo khác nhau và kêu gọi con người hướng thiện, kêu gọi các tôn giáo chung sống hòa bình. Không phải vô cớ mà quyển về Thiên Chúa giáo có tên là Oscar và người đàn bà áo hồng, nó được xếp vào một trong 10 quyển sách hay nhất, làm đảo lộn và thay đổi cuộc đời của người đọc do tạp chí Lire của Pháp thăm dò. Tôi cũng đang định dịch cuốn ấy nhưng vì bận quá nên đành phải tạm gác nó lại.

* Trong danh sách tác phẩm lọt vào chung khảo năm nay, ngoài tác phẩm của anh ra còn có Kafka bên bờ biển (Haruki Murakami, Dương Tường dịch), Những kẻ thiện tâm (Jonathan Littell, Cao Việt Dũng dịch). Đây là hai trong số những dịch giả có tên tuổi, được nhiều người yêu thích. Thế nhưng họ đã không đoạt giải. Cảm nhận của anh thế nào?

- Tôi có biết Nửa kia của Hitler là một trong ba tác phẩm lọt vào chung khảo nhưng tôi vẫn ngạc nhiên khi nhận giải vì hai người kia là những người đã có tên tuổi. Cả ba bản dịch đều tốt, đều nghiêm túc, tôi nghĩ, một phần cũng do đây là tác phẩm đầu tay nên có thể có thêm một lý do để người ta trao giải hay chăng? Thực ra lúc đoạt giải và nói chuyện với mọi người tôi mới biết là giải thưởng có giá trị đến vậy!

* Trong khi dịch một tác phẩm, dịch giả nên đứng về tác giả hay đứng về độc giả?

- Nếu trung thành tuyệt đối với tác giả mà người đọc không thể hiểu được thì vô hình trung công việc ấy cũng vô ích. Còn nếu Việt hóa hoàn toàn thì lại thiệt cho tác giả bởi vì khi đó, văn phong của tác giả sẽ bị sai lệch. Có lẽ phải “liệu cơm gắp mắm” thôi. Thế nhưng, theo tôi vẫn có thể chọn giải pháp: gần với tác giả nhất có thể được và có chú thích bên dưới.

* Kế hoạch sắp tới của anh về dịch thuật?

- Tôi sẽ hợp tác cùng đạo diễn, diễn viên Chiều Xuân. Chị Chiều Xuân đang muốn dựng một vở bi hài kịch rất nổi tiếng của Pháp. Chị ấy đã đưa kịch bản và tôi cũng rất thích. Hiện tại vẫn chưa có tên. Đây là câu chuyện giữa những con người tưởng rằng mình thông minh, chế giễu những người khác là ngu đần. Đến khi gặp một người cũng hơi đặc biệt, hơi ngốc ngốc nhưng rất tốt bụng, luôn muốn giúp đỡ người khác để cuối cùng nhận ra ở đời chưa biết ai ngu hơn ai, ai ngốc hơn ai. Đó là một thông điệp rất nhân văn và đặc biệt có ý nghĩa trong xã hội hiện nay khi xu hướng sống ích kỷ ngày càng phát triển.

Theo HUY SƠN - Người Lao Động



http://tuoitre.vn/Van-hoa-Giai-tri/Van-hoc/279517/Dich-gia-Nguyen-Dinh-Thanh-%E2%80%9CLieu-com-gap-mam%E2%80%9D-ma-dich-sach.html